Nhân lực góp phần khơi thông dòng chảy logistics Việt Nam
[vlr.vn] Còn nhiều việc để làm để “khơi thông dòng chảy logistics” nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, trong đó hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành logistics là việc cấp thiết. Nhân lực cho ngành logistics đang là một trong những “nút thắt” trong chiến lược phát triển.
Sự xuất hiện của STC
Vừa qua, tại Hà Nội Tập đoàn STC và Hội An toàn giao thông Việt Nam đồng tổ chức hội thảo quan trọng về logistics với chủ đề “Các xu hướng tiên tiến trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Cảng, Logistics, Hàng hải và An toàn, an ninh hàng hải”.
STC là ai? “Tập đoàn STC Group có trụ sở tại Rotterdam, Hà Lan, là một tổ chức giáo dục và nghiên cứu hàng đầu trên thế giới trong các ngành công nghiệp hàng hải, logistics, vận tải và quy trình chuỗi vận tải cung ứng”, Tổng giám đốc STC Group, ông Frist Gronsveld cho biết.
Phát hiện ra tiềm năng to lớn tại Việt Nam, ngay từ năm 1993, STC đã có hoạt động tại Việt Nam. Cho đến nay, STC đã hoàn thành nhiều dự án về vận tải thủy nội địa, chương trình đào tạo, đầu tư liên doanh, hỗ trợ sinh viên, cung cấp các chương trình học bổng và hợp đồng lao động, tư vấn cho các công ty và Chính phủ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp tại Hà Lan tập trung vào thị trường Việt Nam.
Ông Adson Hofman, Giám đốc đào tạo STC Group cho biết, bằng việc phân tích, lập trình, thử nghiệm và tối ưu hóa hiệu suất cơ sở dữ liệu dựa trên phần mềm mô phỏng chuỗi vận tải, các chuyên viên của STC-Vietnam đã phát triển các kịch bản mô phỏng chuỗi vận tải cho các nhu cầu đào tạo nhân lực trong vận tải nội địa, vận tải biển, các hoạt động giảng dạy và dịch vụ tư vấn của STC-Group tại các trung tâm mô phỏng ở các chi nhánh trên toàn cầu.
Kịch bản mô phỏng được phát triển cho đào tạo nhân lực ở mọi cấp độ: hướng nghiệp, cao đẳng, trung cấp, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đến các tình huống đặc biệt theo nhu cầu. Chủ tàu và các công ty vận tải biển trên thế giới luôn có nhu cầu đào tạo đội ngũ thuyền viên của họ làm việc trên tàu tại các địa điểm chuyên biệt với các nhiệm vụ nhất định.
Rất nhiều sinh viên và thủy thủ đã được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau ở trên tàu thủy nội địa từ thủy thủ boong cho tới thuyền trưởng bằng hệ thống mô phỏng của STC-Group. Để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của tất cả các khóa học như trên, cơ sở dữ liệu mô phỏng của hàng nghìn kilomet đường sông ở các quốc gia từ Hà Lan, Đức tới Việt Nam đã và đang được xây dựng.
“Lợi ích kinh tế chưa bao giờ là điều chúng tôi quan tâm. Điều thực sự chúng tôi mong muốn đó là được chứng kiến sự phát triển về lượng và chất của nguồn nhân lực hàng hải, cảng và logistics của Việt nam và được đóng góp thông qua 2 đơn vị là UT-STC và Tân Cảng – STC”, ông Frits Gronsveld, Chủ tịch STC Group chia sẻ nhân kỷ niệm 15 năm có mặt tại Việt Nam.
Điểm “nghẽn” logistics
Theo thống kê đánh giá dựa vào Chỉ số hoạt động Logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, năm 2018 Việt Nam xếp hạng thứ 39 trong số 160 quốc gia, đứng sau Thái Lan (hạng 32) và Singapore (hạng 7).
Tân Cảng một trong những doanh nghiệp liên kết hiệu quả với STC Group
Mặc dù kết quả này là một tiến bộ so với vị trí thứ 53 vào năm 2012, một nghiên cứu gần đây vẫn chỉ rõ rằng năng lực hệ thống logistics quốc gia của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề ở tất cả các khía cạnh, bao gồm cơ sở hạ tầng, khung thể chế, năng lực của nhà cung cấp dịch vụ logistics cũng như nhận thức và kỹ năng của các đơn vị sử dụng dịch vụ logistics (sản xuất, chủ hàng). Ví dụ, về phương diện thời gian và chi phí cho các hoạt động xuất nhập khẩu chủ đạo, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các quốc gia khác ở Đông Á và châu Á Thái Bình Dương, và những yếu tố này trở thành rào cản để kết nối toàn cầu, thúc đẩy giao thương và mở rông thị trường.
Việt Nam là một thị trường tiềm năng của logistics nhưng đáng buồn logistics lại đang là “điểm nghẽn” của phát triển. Đây là lý do “Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 7” – sự kiện thường niên lớn nhất về ngành dịch vụ Logistics vừa được tổ chức cách đây 2 ngày tại Đà Nẵng.
6 lần tổ chức trước đây, thành quả của Diễn đàn VLF đã kiến tạo thành công một diễn đàn cấp quốc gia kết nối quốc tế; thể hiện mạnh mẽ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương hoạt động trong lĩnh vực Logistics; không ngừng thiết lập, củng cố và tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan; tổ chức định kỳ các đoàn tham quan khảo sát tại nhiều quốc gia; Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics đến năm 2025; xuất bản định kỳ báo cáo Logistics Việt Nam thường niên;…
Lần thứ 7 vừa qua, Diễn đàn VLF đã tiếp tục đề cập và bàn thảo những vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế và trước xu hướng phát triển của công nghệ số.
Còn nhiều việc để làm để “khơi thông dòng chảy logistics” nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tuy nhiên hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Logistics là việc cấp thiết.
Những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của STC Group trong việc nguồn nhân lực trong ngành Logisctics tại Việt Nam, mang đến cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm quý trong đào tạo quốc tế của Tập đoàn STC tại Hà Lan sẽ góp phần vào việc “khơi thông dòng chảy”.
by Ngo Duc Hanh
No Comments